Từ thủa bắt đầu, Ông Già NôEn có tên là “Saint Nicholas.” Theo truyền thuyết thì Ông Già NôEn Nicholas có lẽ là một vị Giám Mục người Hy Lạp ở vào thế kỷ thứ 4. Nicholas được nổi tiếng về lòng tốt của ông. Tuy nhiên các nhà sử học không thể xác quyết sự kiện về đời sống cũng như sự hiện hữu của ông. Trong tiếng Anh, Ông Già NôEn có tên là “Santa Claus” Tiếng “Santa Clause” được dịch từ tiếng Đức “Sinter Klaes.” Trong tiếng Pháp, Ông Già NôEn có tên là “Le Père Noel.”
Truyện thần thoại về Ông Già NôEn kể rằng Santa Claus tặng quà một cách bí mật cho những người gặp cảnh khó khăn. Ngoài ra, Ông Già NôEn còn có những tên như Nicholas of Bari và Nicholas of Myra. Theo tục truyền, Ông Già NôEn được sinh ra ở hải cảng cổ Lycia của thành phố Patara thuộc Tiểu Á Tế Á (Asia Minor). Khi còn trẻ, Ông Già NôEn đi du lịch đến Palestine và Egypt. Ông trở thành Giám Mục của thành phố Myra, Lycia, thuộc Tiểu Á Tế Á. Ông bị tù trong vụ hành hạ những người Thiên Chúa Giáo thuộc triều đại Hoàng Đế La Mã Diocletian. Sau đó, ông được thả ra vào triều đại vua Constantine Đại Đế (Thế Kỷ Thứ 4) và tham dự Hội Đồng Lần Thứ Nhất của Nicaea, Council of Nicaea, vào năm 325 dương lịch. Nicaea là một thành phố của Bithynia thuộc Asia Minor. Hội Đồng Council of Nicaea có mục đích xác nhận lòng tin vào Thiên Chúa và kết tội chủ thuyết Arianism, một chủ thuyết chối bỏ Chúa Jesus.
Vào thế kỷ thứ 6, lăng tẩm của ông Già NôEn rất nổi tiếng ở Myra thuộc Tiểu Á Tế Á. Vào năm 1087, những người thủy thủ và lái buôn Ý đã cải táng ngôi mộ của ông và mang di hài ông về Bari, Ý Đại Lợi. Sự cải táng này đã là một sự kiện lịch sử và được người ta làm lễ kỷ niệm hằng năm vào ngày 9 tháng 5 dương lịch. Từ đó tiếng tăm của ông được truyền đi khắp nơi và Bari đã trở nên một trung tâm hành hương đông đảo nhất. Lăng tẩm của ông được đặt tại Đại Giáo Đường thuộc South Nicala, Bari, Ý Đại Lợi .
Truyền thuyết về Ông Già NôEn càng ngày càng nhiều. Chuyện đầu tiên được kể về một phép lạ rất nổi tiếng là khi ba vị sĩ quan bị kết án tử hình rồi lại được tha sau khi Vua Constantine Đại Đế nằm mơ thấy Nicholas. Kế đến là những chuyện người ta kể là Ông Già NôEn đã từng cứu những trẻ em khỏi bao thảm họa. Lòng ngưỡng mộ đối với Ông Già NôEn bành trướng ra khắp thế giới. Tên của ông được dùng để đặt tên cho rất nhiều nơi ở các nước. Tên họ của nhiều người cũng bắt nguồn từ tên Nicholas như: Nichols, Nicholson, Colson, và Collins.
Ông Già NôEn đã được chọn làm vị thánh hộ mệnh của nước Nga, Hy Lạp, các hội từ thiện, các công đoàn, các trẻ em cùng thủy thủ đã được cứu vớt lên khỏi bờ biển Lycia, và các thành phố như Fribourg, Switz, và Moscow. Đã có hàng ngàn nhà thờ ở Châu Âu được xây lên để thờ Ông Già NôEn, trong đó có một nhà thờ do Hoàng Đế La Mã Justinian Đệ Nhất xây vào thế kỷ thứ 6 ở đô thị cổ Constantinople, bây giờ là Istanbul, một thành phố lớn nhất của Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ).
Các phép lạ của Ông Già Nô En đã là đề tài ưa thích cho nhiều nghệ sĩ thời trung cổ. Ngày hội truyền thống về Ông Già NôEn trở thành cơ hội cho các nghi lễ của Boy Bishop, một phong tục phổ biến của người Âu trong đó một cậu con trai được chọn làm vị Giám Mục và ở tại chức cho tới ngày Holy Innocents’ Day, tức ngày 28 tháng 12 dương-lịch.
Sự biến đổi Nicholas thành Đức Cha của Lễ Giáng Sinh (Father Christmas) hay Đức Cha của tháng giêng (Father January) đã xảy ra lần đầu tiên ở Đức, rồi đến các quốc gia trong đó có Reformed Churches chiếm đa số. Tiếp đến là ở Pháp, ngày hội Ông Già NôEn được tổ chức vào mùa Giáng Sinh và Năm Mới. Những di dân người Hòa Lan theo đạo Tin-Lành ở thành phố New Amsterdam, bây giờ là thành phố New York City, đã gọi Nicholas là Nhà Ảo Thuật Nhân Đạo và sau trở thành Ông Già NôEn, tức Santa Claus.
Ở Hoa Kỳ và Anh Quốc, Nicholas là thánh hộ mệnh của mùa Giáng Sinh. Theo truyền thống, Giáng Sinh là ngày hội của gia đình và của trẻ con. Người ta trao đổi qua tang với nhau trong dịp này. Từ năm 1969, ngày hội Ông Già NôEn không còn được ghi lên lịch, nhưng việc tổ chức kỷ niệm Ông Già NôEn thì được tùy nghi tổ chức theo mỗi nơi.
Ngày nay tục lệ rước Ông Già NôEn rất thịnh hành. Tùy theo từng địa phương, người ta tổ chức cuộc rước Ông Già NôEn (Santa Claus Parade) theo các ngày khác nhau ở mỗi thành phố, thường là vào từ trung tuần tháng 11 trở đi cho đến giữa tháng 12 dương lịch. Trong cuộc diễn hành Ông Già NôEn này, người ta làm những xe hoa thể hiện đặc tính của từng hội đoàn hay các cơ sở thương mại và cũng thể hiện ý nghĩa của mùa Giáng Sinh. Ngoài ra, người ta còn có các ban nhạc diễn hành đi theo đám rước này để tấu lên các bài hát Giáng Sinh. Mặc dầu thời tiết lạnh và tuyết phủ đầy khắp không gian mà mọi người vẫn tham dự cuộc vui một cách tưng bừng và náo nhiệt.
Ở mỗi nhà vào dịp Giáng Sinh người ta còn mua những đôi vớ hay tất (pair of socks) đỏ treo bên cạnh lò sưởi ngay chỗ ống khói. Họ tin là vào đêm NôEn, Ông Già NôEn sẽ cưỡi xe trượt tuyết do bầy hươu có cánh kéo từ trên trời xuống trần gian để cho ông đem túi quà vào thăm mỗi nhà qua lỗ ống khói và bí mật bỏ quà vào mỗi chiếc vớ cho trẻ con. Người ta tưởng tượng ra Ông Già NôEn với hình dáng của một ông già béo mập, vui vẻ, có râu bạc trắng, mặc quần áo màu đỏ, và mang túi quà phát cho trẻ con vào đêm trước ngày Lễ Giáng Sinh (Christmas Eve).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét